Tôi vẫn cho rằng,Đấugiábấtthườso xo mien trung sự yếu kém trong định giá, và việc quản lý khai thác thiếu hiệu quả đã làm cho đấu giá "mất thiêng".
Đấu giá khai thác tài nguyên thiên nhiên là cơ chế đúng đắn, phù hợp với nguyên tắc thị trường, nhưng phụ thuộc vào ba vấn đề trọng yếu: một là "định giá khởi điểm có chính xác không?", hai là "hiệu lực quản lý khai thác có cao không?", và ba là "quy trình đấu giá có đầy đủ không?".
Đấu giá quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam là vấn đề rất lớn, đa dạng và phức tạp. Bài viết này khoanh lại để bàn về đấu giá cát sông - vấn đề đang thời sự sau vụ đấu giá quyền khai thác ba mỏ cát ở Huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm tại Hà Nội mới đây.
Ba mỏ cát gồm mỏ Liên Mạc (trữ lượng 0,5 triệu m3) - 28 tổ chức tham gia, giá trúng cao gấp 204 lần mức khởi điểm; Châu Sơn (0,7 triệu m3) - 29 tổ chức tham gia, giá trúng gấp 141 lần; Tây Đằng - Minh Châu (4,9 triệu m3) - 16 tổ chức tham gia, giá trúng gấp 46 lần. Số liệu này cho thấy mỏ cát nhỏ được quan tâm nhiều hơn, và giá trúng đấu giá càng cao hơn nhiều lần giá khởi điểm.
Thủ tướng đã yêu cầu kiểm tra lại quá trình đấu giá này. Công điện ngày 11/11 nêu, kết quả trúng đấu giá cấp quyền khai thác ba mỏ cát "cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, có yếu tố bất thường".
Đây không phải vụ đấu giá cát sông đầu tiên có giá trúng cao gấp nhiều lần giá khởi điểm. Những trường hợp tương tự vẫn xảy ra tại nhiều địa phương. Chẳng hạn, tháng 4/2021, An Giang tổ chức đấu giá mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới. Với trữ lượng 2,37 triệu m3, giá trúng cao hơn 390 lần giá khởi điểm, khiến Giám đốc Sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh lúc bấy giờ phải đánh giá là "quá bất thường".
Vậy nguyên nhân gây nên sự bất thường có thể là gì?
Việt Nam đang gấp gáp đẩy nhanh xây dựng để hoàn thành quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Tất nhiên, xây dựng phải có khối lượng cát sông rất lớn, vừa để san lấp, vừa để xây. Vì thế mà giá cát sông tăng "phi mã". Tôi nhớ thời điểm năm 2017, đầu năm giá chỉ khoảng 30.000 đồng một mét khối, đã tăng lên bốn lần vào giữa năm. Đến nay, giá cát đã gấp 10 lần rồi mà cung vẫn không đáp ứng được cầu. Đây là cơ sở chính để thấy rằng giá khởi điểm vẫn tính theo kiểu cũ là không ổn, người muốn khai thác cát có thể trả cao hơn nhiều lần để đáp ứng cung cho cầu đang thiếu trầm trọng. Tôi nghĩ không có chuyện "làm giá" để kích giá thị trường.
Vậy vấn đề tiếp theo là cần xem "chế tài quản lý khai thác cát hiện hành ở ta có đủ hiệu lực hay không?".
Nạn "cát tặc" (thuật ngữ không chuẩn tắc những dễ hiểu) vẫn hoành hành ở nhiều địa phương. Không có giấy phép thì chúng vẫn khai thác trộm, hủy hoại hệ sinh thái nhiều dòng sông, gây ra những cơn giận dữ của cư dân các vùng quê. Nhưng trộm cát dưới hình thức này đã giảm mạnh ở những địa phương siết chặt quản lý.
Phương cách mới dần hình thành là cố xin được giấy phép khai thác rồi lợi dụng hoàn cảnh khai thác ngầm dưới nước để hút cát liên tục đêm ngày, hút cả ngoài chỗ được phép. Cát khai thác được nhiều hơn trữ lượng trên giấy phép rất nhiều lần, nên dù giá trúng đấu giá có cao mấy vẫn có thể lãi to. Cái chốt của vấn đề là xin được giấy phép khai thác, rồi lách qua khe "quản lý yếu kém" để kiếm lợi lớn. Vì không quản lý được chính xác vùng khai thác, không quản lý được lượng cát đã khai thác nên mới tạo thành khe trống mà kẻ tư lợi lách qua được.
Bộ Phát triển Quốc tế (DFID) của Vương quốc Anh từng giúp Việt Nam một khoản viện trợ cho không để nghiên cứu các chính sách về bảo vệ và quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên và về an sinh xã hội cho cộng đồng. Tổ chức Oxfam thắng thầu và cùng các cơ quan quan nhà nước, tổ chức xã hội, chuyên gia trong và ngoài nước triển khai Chương trình này, trong đó có Dự án về đổi mới chính sách khai khoáng. Tôi có tham gia dự án này.
Dự án đánh giá khái quát chung rằng quản lý khai khoáng hiện nay vẫn không thay đổi gì so với cách quản lý thời bao cấp, tất cả ghi nhận trên sổ sách, bản đồ gắn với trữ lượng quặng ước tính từ thăm dò khảo sát. Giao mỏ trên giấy tờ cho tổ chức được khai thác là xong việc.
Việc vận hành hiện nay theo cơ chế thị trường, đa số lại là doanh nghiệp tư nhân tham gia, chuyện phải khai thác đúng vùng được phép và ghi nhận rõ khối lượng đã khai thác càng được đặt ra, vì lợi ích công tư phải rõ ràng.
Thời gian đó tôi đi khá nhiều mỏ cát và chuyện trò trực tiếp với các thợ hút cát sông. Họ nói khai thác cát sông tự do hơn khai thác quặng. Để hút được cát chỉ cần một vòi hút chuyên dụng, một đầu vòi cố định ở xà lan, còn cả vòi và đầu kia đều ở dưới nước, không ai biết đằng nào mà lần, nhất là hút về đêm càng khó. Thậm chí đang hút mà có người hỏi, họ chỉ cần trình giấy phép.
Các nước khác đã có biện pháp quản lý khai thác tài nguyên ngầm trong đất, trong nước rất khoa học, mà công nghệ nằm trong tầm tay của nước ta. Vùng khai thác cát được khoanh lại bằng các phao có gắn chíp định vị vệ tinh (như trong các điện thoại thông minh hiện nay). Các thiết bị hút cát và phương tiện vận chuyển cát phải gắn các "hộp đen" giám sát hành trình, cũng được tích hợp với chíp ghi nhận đường đi bằng vệ tinh. Tất cả được kết nối với trung tâm giám sát của cơ quan quản lý. Người quản lý biết rõ lộ trình khai thác ở những đâu và được bao nhiêu cát.
Các thiết bị nêu trên có thể được đặt ra như một điều kiện với doanh nghiệp tham gia đấu giá khai thác. Cách này vừa mang lại hiệu quả, Nhà nước không mất vốn đầu tư, lại góp phần giúp bịt được khe hở "trộm cát" nói trên.
Như vậy, có hai điều cần làm bao gồm: một là giảm cầu cát sông, hai là bịt lại kẽ hở do quản lý khai thác yếu kém sinh ra. Để giảm cầu cát sông, đã có nhiều khuyến nghị thay thế cát sông bằng nhiều loại vật liệu khác nhau tùy theo mục đích sử dụng. Để nâng cao hiệu lực quản lý khai thác cát sông, cần học tập cách quản lý khai thác bằng công nghệ, để ghi nhận minh bạch quá trình khai thác với sự tham gia xác định tọa độ, theo dõi đường vận chuyển bằng định vị vệ tinh, lắp hộp đen giám sát hành trình, và kết nối trực tuyến (online) với trung tâm giám sát theo thời gian thực (real-time).
Đặng Hùng Võ